Cách liên hệ bộ phận chăm sóc khách hàng Tiki nhanh nhất

Kỳ Quan Thứ Tám Với Số Phận Kém May Mắn

Nhờ công nghệ siêu thanh đặc biệt, Concorde từng được giới hàng không ví là "kỳ quan thứ 8" nhưng những lời khen này không thể giúp nó có vòng đời may mắn. Hãy cùng Bán Mô Hình Tĩnh đi sâu hơn vào lịch sử của chiếc máy bay đã từng “làm mưa làm gió” trong giới hàng không một thời nhé!

Trắc trở từ những ngày đầu chào đời:

Concorde không hề được chế tạo có chủ đích mà chính là kết quả của sự hợp tác bất ngờ giữa Anh và Pháp. Vào thập niên 60, công ty BAC của Anh và tập đoàn Pháp Sud Aviation đều nghiên cứu chế tạo máy siêu thanh và cả hai đều rất nhiều khó khăn. Phía Pháp gặp trục trặc khi không có động cơ đủ mạnh, người Anh thì lại nắm công nghệ động cơ đáp ứng được nhu cầu và cũng tỏ ra thiện chí trước viễn cảnh hai bên cùng sản xuất chung một chiếc phi cơ. Chính sự liên doanh này gây ra một loạt rắc rối kéo dài sau đó.

Giai đoạn thử nghiệm ban đầu cũng gặp nhiều trở ngại. Chỉ có hai buồng lái giả lập, một đặt tại Pháp, một thì đặt tại Anh nhưng màn hình trong hệ thống ở Anh chất lượng thấp nên không thể mô phỏng được mọi tình huống. Do vậy, trước khi nó được nâng cấp, các phi công Anh phải "tập trận" bằng máy bay thật. Điều này rất tốn thời gian vì phải phụ thuộc vào thời tiết, cũng như phí tiền của, công sức do phi công cần tập các tình huống phức tạp như hạ cánh khi bị hỏng 1 hoặc 2 động cơ. Nhưng sau tất cả các thử nghiệm, Concorde đã làm nên lịch sử bằng việc trở thành máy bay siêu thanh thương mại duy nhất trong ngành hàng không lúc bấy giờ.

“Chú chim trắng” bay nhanh hơn tốc độ âm thanh:

Trong chuyến bay đầu tiên ngày 02/03/1969, Concorde chưa đạt tốc độ âm thanh (1.224 km/h). Một năm sau đó, vào ngày 04/11/1970, sau 102 chuyến bay thử nghiệm, Concorde mới đạt tốc độ 2.200 km/h, tức là nhanh gấp đôi tốc độ âm thanh, trong vòng một giờ. Chỉ khi máy bay lướt qua rồi, người ta mới nghe thấy âm thanh. Vận tốc cao nhất của Concorde là gần 2.500 km/h, ở độ cao từ 16.000 - 18.000m. Concorde như vậy cũng bay cao hơn gấp đôi so với các loại máy bay thông thường.

Với máy bay Concorde, hành khách chỉ mất 3 giờ 30 phút cho chuyến đi từ Paris đến New York, thay vì hơn 7 tiếng đối với máy bay truyền thống. Vì lệch giờ, thời gian bay lại ngắn nên khi máy bay hạ cánh ở New York, đồng hồ vẫn chỉ giờ sớm hơn so với giờ máy bay cất cánh ở Paris. Vì thế, người ta còn gọi đó là chuyến bay “thách thức mặt trời”. Kỷ lục là vào dịp Giáng Sinh năm 1989, hành trình Paris - New York trên “chim trắng” Concorde chỉ mất 2 giờ 59 phút và 40 giây.

Chiếc phi cơ dành cho giới doanh nhân:

Bay nhanh hơn tức là tiết kiệm thời gian. Mà thời gian là tiền bạc bởi với giá vé cao cắt cổ nên khách đi Concorde phần lớn sẽ là doanh nhân.

Điển hình như chặng London Heathrow - New York John F. Kennedy, vé khứ hồi giá 19.000 USD ở tỷ giá hiện tại, khách sẽ rút ngắn được thời gian nếu bay bằng Concorde thay vì Boeing 747. London - New York là một trong những tuyến đường bay quan trọng nhất thế giới khi kết nối hai kinh đô tài chính đầu não toàn cầu. Trong ba giờ đó, một chủ ngân hàng hay dầu mỏ có thể ăn sáng tại London, rồi hạ cánh ở New York để ăn sáng tiếp tục với đối tác và chốt một hợp đồng hàng triệu đô. Đây lại chính là giá trị mà không một dòng phi cơ nào khác có thể đem lại được.

Nhưng bay quá nhanh cũng là một trong những lý do đã "giết chết" Concorde chứ không phải là tai nạn hy hữu tại Paris 23 năm về trước.

Để bay siêu thanh, Concorde được thiết kế với nhiều tiêu chuẩn khác biệt. Phần thân của máy bay thuôn dài nhằm tối ưu khí động học nhưng lại khiến nội thất bên trong có phần chật chội. Nhiều khách than phiền ghế quá bé và nếu ai cao trên 1,8 m thì đi lại trong khoang sẽ hơi khom người vì trần cabin thấp.

Không gian trong Concorde tù túng đến mức chỗ để hành lý còn thiếu hụt. Khi chuyến bay vắng thì khách thường sẽ di chuyển lên phía trước ngồi, phần khoang sau cabin được tận dụng để vali. Còn nếu chuyến bay đông, hành lý sẽ được gửi nhờ sang một chiếc 747 có lộ trình tương tự để đảm bảo sẽ đến tay khách cùng ngày đó. Bù lại, khách bay Concorde sẽ được chiêu đãi như một đế vương với rượu ngon và trứng cá Caviar ngoại hạng.

Thảm kịch thương mại:

Tuy nhiên, không gì có thể bù đắp nổi những cơn đau đầu của các giám đốc dự án Concorde mỗi khi kiểm toán lại. Để đạt tốc độ 2.200 km/h kia, Anh và Pháp phải đầu tư rất nhiều tiền và Concorde bị đội vốn một cách vô tội vạ, chênh khoảng bảy lần so với ước tính ban đầu. Đây là nguyên nhân mở màn, cộng hưởng với số phận kém may mắn đã nhấn sâu Concorde vào chuỗi bi kịch, trở thành một thảm hoạ về mặt thương mại.

Đen đủi thay cho Concorde, vào năm 1973, giá dầu bùng nổ. Vận tốc kinh hoàng lên tới 2.200 km/h đòi hỏi loại động cơ đặc biệt, có khả năng đốt nhiên liệu lần hai như tiêm kích và chúng rất ngốn xăng.

Tại sân bay Heathrow, chỉ lăn từ ga T4 ra đến đường băng nhưng Concorde đã tiêu thụ lượng xăng tương đương một chiếc A320 bay từ London tới Paris. Hoặc nếu bay từ London đi New York thì Concorde đốt hơn 100 tấn nhiên liệu, trong khi Boeing 777 chỉ tốn mất 44 tấn.

Bên cạnh đó, động cơ của Concorde quá ồn. Khi đạt tốc độ 1.225 km/h, máy bay sẽ tạo ra tiếng nổ siêu thanh (Sonic Boom). Ngoài việc khiến con người dưới mặt đất đứng tim vì khiếp sợ, Sonic Boom được cho là có thể làm vỡ cửa kính. Chính quyền đảo Azores từng kiện Air France vì tin rằng Sonic Boom từ Concorde gây ra các trận động đất.

Chỉ còn mỗi British Airways và Air France đưa vào sử dụng lâu dài 14 chiếc. Nếu tính cả số phi cơ thử nghiệm, chỉ 20 chiếc Concorde ra lò trong khi mục tiêu ban đầu là bán tận 350 máy bay. 

Sự lụi tàn của một kỳ quan:

Vào ngày 25/07/2000, máy bay Concorde của Air France lại gặp xui xẻo khi cán phải một mẩu kim loại trên đường băng lúc cất cánh làm cho lốp nổ và mảnh cao su vụn bắn vào khoang nhiên liệu gây chập điện, vô hiệu hoá động cơ khiến máy bay rơi làm 113 người thiệt mạng. Hậu quả là Concorde đã bị ngừng bay một năm.

Già cỗi, gây ô nhiễm môi trường, kén khách, thị trường tuột dốc không phanh lại còn trở thành nạn nhân của rắc rối chính trị nên càng về sau Concorde càng bị Airbus ghẻ lạnh.

Thời gian đó, do không được cải tạo như phi đội tại British Airways, một số chiếc Concorde của Air France gặp vô vàn sự cố kỹ thuật, đe dọa an toàn bay và tiềm tàng nguy cơ xảy ra một tai nạn thương tâm như năm 2000 nên Air France loại bỏ Concorde. British Airways có đường lối khác nhưng một khi chính phủ Pháp ra lệnh cho Airbus ngừng cung cấp phụ tùng thì British Airways cũng sẽ không thể vận hành máy bay. Vài tháng sau, không muốn nhưng hãng hàng không quốc gia của Anh đành phải tuyên bố ngừng khai thác Concorde.

Ngày nay, Concorde được trưng bày ở các bảo tàng và ở nơi công cộng trên thế giới, chiếc dễ bắt gặp nhất nằm tại ga T5 sân bay Heathrow. Trong một lĩnh vực mà mỗi sản phẩm được sinh ra đều tạo không ít nhiều gì những ảnh hưởng lên cục diện toàn ngành hàng không, Concorde vẫn luôn giữ được sự hào nhoáng trường tồn dù không thể ôm trọn thành quả thương mại.

Bài liên quan